Ong lấy phấn hoa, vận chuyển về tổ và chế biến phấn như thế nào?

Phấn hoa là thức ăn chính của ong, nhất là ấu trùng ong thợ và ong chúa. Khi chúa đẻ nhiều, trong cầu có nhiều trứng đã kích thích ong đi lấy phấn càng mạnh. Nếu thiếu phấn hoa, ấu trùng ong sẽ chết đói. Người ta đã theo dõi có 25% ong thợ đi lấy phấn hoa, có 17% con ong thợ vừa lấy phấn hoa vừa lấy mật hoa (58% ong thợ đi lấy mật).

Cách thức ong lấy phấn hoa như sau: ong đậu trên hoa để lấy phấn, trước tiên ong dùng hàm trên để lấy phấn, hoặc dùng lông tơ quanh thân ong đổ dính hạt phấn, sau đó dùng các chân trước gom hạt phấn rồi vo tròn thành viên bỏ vào trong giỏ phấn ở đôi chân thứ 3. Lông tơ của giỏ phấn sẽ gìm chặt viên phấn hoa không bị rơi trong khi di chuyển hoặc bay về tổ. Về đến tổ, con ong mang phấn tìm lỗ tầng chưa có phấn hoặc phấn còn ít, dùng chân gạt viên phấn vào lỗ. Một số ong thợ còn non có nhiệm vụ nghiền nhỏ viên phấn trộn với mật ong và nén chặt lại. Qua quá trình hoạt động của vi khuẩn axít lactic phấn hoa trở thành thức ăn cho ong. Một đàn ong mạnh 1 năm có thể lấy và chế được 25 - 30 kg phấn hoa, trong đó ong ăn khoảng 18 - 25 kg, còn lại là dự trữ. Những con ong thợ đi lấy phấn lần đầu tiên được 2 cục, nặng khoảng 0,9mg, sau khi thạo việc rồi ong có thể lấy một chuyến được 8 – 10mg phấn. Một lỗ tầng chứa được khoảng 140mg phấn hoa, muốn đổ phấn đầy một lỗ tầng, ong phải đi được 13-17 chuyến phấn hoa.

Người nuôi ong đã lợi dụng đặc tính này của ong để lấy bớt phấn hoa của ong cho mình. Nhưng phải lấy khi ngoài thiên nhiên có nhiều nguồn phấn hoa và chỉ lấy của đàn ong mạnh.

Mỗi tổ ong đều có nhu cầu tìm ra nguồn hoa để lấy mật và phấn hoa, nên đàn ong luôn có một toán ong đi trinh sát. Những con ong trinh sát bay đi khắp vùng cây, phát hiện ra những mùi hoa quen thuộc rồi đến tận nơi có nguồn hoa. Cho đến nay người ta cũng chưa hiểu hết con ong làm thế nào để có thể phân biệt được mùi thơm ở cách xa 2 - 3km (?), cơ quan nào trong cấu tạo của con ong làm được việc này (?), phát hiện đặc tính này người ta đã tạo mùi cho ong bằng cách mùa hoa nào nở rộ thì cho ong ăn loại mật hoa đó để kích thích ong đi tìm nguồn hoa đó lấy mật và phấn. Hướng ong đi theo nguồn hoa mình muốn còn có ý nghĩa đưa ong đi thụ phấn cho cây trồng.

Sau khi phát hiện được nguồn hoa, ong trinh sát bay vô tổ và bằng những điệu múa của mình báo cho những con ong khác biết. Các điệu múa của ong trinh sát được trình diễn trên một tầng. Nếu ong trinh sát múa theo hình tròn quanh lỗ tầng, quay đi quay lại trong vòng 15 – 30 giây là báo có nguồn hoa gần dưới 100m, có khi đến vài km thì ong sẽ múa theo hình số 8 (hay còn gọi là Waggle Dance), vừa đi vừa lắc lư, số vòng quay của ong báo hiệu nguồn mật hoa xa hay gần để các con ong trong đàn biết mà đi lấy mật. Nhận được tín hiệu qua điệu múa của ong trinh sát, những con ong thợ khác theo đó mà đi đến nguồn hoa, còn ong trinh sát được nghỉ ngơi một chốc rồi tiếp tục đi lấy mật và phấn hoa như những con ong thợ khác.

Ngoài thông tin xa hay gần của nguồn hoa, điệu múa và mùi thơm của ong trinh sát phát ra còn báo hiệu về hướng đi đến nguồn hoa, mùi thơm của nguồn hoa để các con ong thợ khác theo đó mà đi cho đúng. Điều kỳ lạ là chỉ cần nhận ra tín hiệu của ong trinh sát thì những con ong thợ vụt bay đi với con đường ngắn nhất và chính xác đến không ngờ mà không chờ ong trinh sát dẫn đường.